Liên kết website
Tư vấn trực tuyến
  • Tư vấn Sở hữu trí tuệ
  • Tư vấn Đầu tư
  • Tư vấn Doanh nghiệp
  • Tư vấn Pháp lý
Thống kê truy cập
Thông qua chế định "Cho thuê lại lao động" - Một nhu cầu bức thiết - ipic, luat, luật, tư vấn đầu tư, tu van dau tu, tư van doanh nghiep

Tin tức

Thông qua chế định "Cho thuê lại lao động" - Một nhu cầu bức thiết

“Cho thuê lại lao động” (labour outsourcing) là khái niệm khá mới mẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam dù thực tế đã và đang tồn tại phổ biến trong các Doanh nghiệp. Lần đầu tiên trong dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động đã có quy định về vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Duy Hùng - Luật sư điều hành của IPIC Group để bạn đọc tham khảo.

 

Đứng trên góc độ là một tổ chức tư vấn chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi với các quy định liên quan đến “Cho thuê lại lao động” bởi các lý do sau:

Thứ nhất, ban hành các chế định pháp lý quy định cụ thể về vấn đề “cho thuê lại lao động” là yêu cầu bức thiết từ thực tiễn.

Luật chính là các quan hệ xã hội được hình thành trong cuộc sống và được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Phải thừa nhận một thực tế rằng từ năm 2001 nhu cầu “cho thuê lại lao động” đã xuất hiện tại nước ta và thực tế này càng phát triển cùng làn sóng đầu tư Nước ngoài vào Việt Nam theo Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996; Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư 2000 và Luật Đầu tư năm 2005. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về lao động liên quan đến “cho thuê lại lao động” chưa bắt kịp với thực tế. Lục tìm trong tất cả hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về lao động nói riêng chúng ta không thể tìm thấy một khái niệm về “cho thuê lao động” hoặc các quy định tương tự.

Thứ hai, khái niệm “cho thuê lại lao động” đã được gián tiếp thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Điều này được thể hiện qua việc cấp phép một số ngành nghề như giúp việc, vệ sỷ. Thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã cung cấp cho khách hàng một hình thức dịch vụ mà người cần cung cấp dịch vụ được đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua cử đến những lao động làm việc trực tiếp tại đơn vị được cung cấp dịch vụ. Người vệ sỷ, lao công…là lao đông ăn lương trực tiếp từ đơn vị cung cấp dịch vụ trong khi làm việc và chịu sự điều hành của người cần cung cấp dịch vụ. Qua hoạt động này ta thấy bóng dang của quan hệ “cho thuê lại lao động”.


Thứ ba, trong biểu cam kết dịch vụ WTO của Việt Nam tại phân ngành E. xuất hiện cam kết “cho thuê không kèm người điều khiển”. Có cung tất nhiên phải có cầu. Có những đơn vị cung cấp máy móc, phương tiện, thiết bị… cho thuê nhưng không kèm người điều khiển thì tất nhiên phải có các đơn vị cung cấp người điều khiển. Hoạt động “cho thuê lại lao động” không ngoài mục đích đó. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết của việc sữa đổi các quy định pháp luật trong nước phù hợp với tiến trình hội nhập.

Thứ tư, các tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt nam để thực hiện các dự án có quy mô lớn đòi hỏi khả năng và trình độ họ thường kéo theo các nhà thầu từ nước ngoài vào tạo thành một ekip thực hiện trọn gói dự án. Các nhà thầu thường là những tổ chức ở nước sở tại và không có hiện diện tại Việt Nam. Chính vì vậy, khi ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ qua biên giới và để được thực hiện các gói thầu đó họ cần phải được cấp “Giấy phép thầu”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyêt định số 87/2004/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ quy định về việc ban hành quy chế quản lý và hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam thì “các nhà thầu cần phải có cam kết sử dụng thầu phụ Việt Nam” và các dịch vụ thường được thầu phụ Việt Nam cung cấp đó chính là nhân công. Từ thực tiễn tư vấn cho tổ hợp Samsung và Keangnam chúng tôi thấy rõ một thực tế rằng khi thầu chính bắt đầu thi công công trình thì các thầu phụ cũng vào theo. Một số thầu phụ tiêu biểu hiện nay đang tiến hành cung cấp dịch vụ cho tổ hợp Samsung và Keangnam như Samsung EVL ( chuyên cung cấp dịch vụ phòng cháy báo cháy); Liftec (chuyên cung cấp dịch vụ cầu vận thăng); Doowon (chuyên cung cấp dịch vụ thi công điện); Sebomec (chuyên thi công hệ thống điều hoà, thông gió)…hiện diện ở Việt Nam với tư cách pháp lý là các văn phòng điều hành thực hiện gói thầu. Và một thực tế là các thầu phụ này đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam để được cung cấp nguồn nhân lực thi công. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì họ không có hiện diện ở Việt Nam, công việc của họ theo thời vụ, việc thực hiện chế độ lao động (bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc) cho người lao động không thực sự thuận lợi…Việc xuất hiện một đơn vị trung gian thay họ thực hiện điều đó là hoàn toàn có lợi cho ba bên: nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ và chính ngừời lao động. Trong quan hệ này ta cũng thấy bóng dáng của quan hệ “cho thuê lại lao động”.

Thứ năm, thực tế, ở Việt Nam đã có các đơn vị hoạt động dưới danh nghĩa là giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Tuy nhiên, hoạt động này đơn thuần chỉ là “môi giới”. Chủ sử dụng lao động vẫn phải ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động. Để đạt đến tầm một tổ chức chuyên cung cấp lao động chuyên nghiệp cần phải có những tổ chức chuyên đào tào, quản lý và “cho thuê lại lao động”. Bản thân người cần cung cấp dịch vụ củng yên tâm khi đã ký kết hợp đồng trực tiếp với đơn vị cho thuê lại lao động vì thực tế nó liên quan đến trách nhiệm pháp lý của công việc cũng như hoá đơn, chứng từ, khấu hao chi phí hợp lý cho doanh nghiệp (ví dụ như việc thuê các lao công chuyên quét dọn cho trụ sở cho các doanh nghiệp, cơ quan qua tổ chức chuyên “cho thuê lại lao động” sẽ được xuất hoá đơn để khấu trừ thuế; việc thuê một nhân viên bảo vệ qua một công ty “cho thuê lại lao động” sẽ đảm bảo trách nhiệm pháp lý của công ty thuê lao động vì trách nhiệm về tài sản…được công ty “cho thuê lại lao động” chịu trách nhiệm.

Thứ sáu, “Cho thuê lại lao động” thể hiện được sự chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá trên thị trường lao động. Thừa nhận quan hệ này sẽ hình thành các tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp trong những ngành nghề đặc thù. Điều này nâng cao năng suất lao động và tối đa hoá chi phí cho công tác tuyển dụng, đào tạo người lao động. Thực tế, các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc cho công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên. Với sự xuất hiện của các tổ chức chuyên cung cấp lao động chuyên nghiệp trở ngại này sẽ được khắc phục.

Thứ bảy, một thực tế nữa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường “trốn” đóng bảo hiểm cho người lao động do trở ngại về thủ tục và thiếu một đội ngũ chuyên sâu am hiểu về nhân sự để thực hiện điều đó. Với hình thức này, các doanh nghiệp sẽ được đơn vị cung cấp “cho thuê lại lao động” thực hiện việc đóng bảo hiểm và thực hiện các chế độ khác với người lao động tuân thủ đúng pháp luật về lao động.

Dù vẫn còn đó một số bất cập trong việc “cho thuê lại lao động” như các doanh nghiệp “cho thuê lại lao động” trong nước lợi dụng mức đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hưởng phần chênh lệch (chẳng hạn, mức lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay là 920.000 đồng/tháng trong khi đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước chỉ là 650.000) ; việc “cho thuê lại lao động” đặt ra nhiều vấn đề khó được giải quyết như chế độ kỹ luật lao động, trợ cấp thôi việc, việc thực hiện nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể (lao động có thể bị sa thải ở đơn vị thực hiện công việc nhưng lại phải chấp hành nội quy, quy định của đơn vị sử dụng lao động nơi mình ký kết hợp đồng)…nhưng không vì thế chúng ta cấm các quan hệ này trên thực tế.

Vấn đề đặt ra của các nhà làm luật là cần phải thiết kế các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn quan hệ xã hội. Cần phải quy định các điều kiện, các ngành nghề được phép cho thuê lại lao động một cách cụ thể và phù hợp thực tế. Phát huy những lợi thế và hạn chế đến mức tối đa các tác động tiêu cực của quan hệ “cho thuê lại lao động” là yêu cầu bức thiết đặt ra với những nhà hoạch định chính sách pháp luật.

Hi vọng, cùng với sự nổ lực của các nhà làm luật, sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu lập pháp, các chuyên gia pháp lý, các tổ chức, cá nhân…các chế định “cho thuê lại lao động” sẽ sớm hoàn thiện và được thông qua sớm nhằm mục đích tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng như tạo ra nhiều sự lựa chọn tối ưu cho các chủ sử dụng lao động vì một quan hệ lao động phát triển đa dạng, bền vững.

Luật sư Nguyễn Duy Hùng
 

Quay lại trang trước
Tin tức khác