Liên kết website
Tư vấn trực tuyến
  • Tư vấn Sở hữu trí tuệ
  • Tư vấn Đầu tư
  • Tư vấn Doanh nghiệp
  • Tư vấn Pháp lý
Thống kê truy cập
Quá nhiều khái niệm mông lung trong Luật Đầu tư - ipic, luat, luật, tư vấn đầu tư, tu van dau tu, tư van doanh nghiep

Tin tức

Quá nhiều khái niệm mông lung trong Luật Đầu tư

Khi ra đời, Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật Đầu tư đã không như kỳ vọng và cho thấy nhiều khiếm khuyết cần suy nghĩ.

Luật Đầu tư được xây dựng trên một số khái niệm cơ bản, trong đó, có hai khái niệm quan trọng nhất là nhà đầu tư (NĐT) và dự án đầu tư. Nhưng hai khái niệm này không được luật xác định rõ ràng.

Nhà đầu tư là ai?

Luật Đầu tư định nghĩa NĐT là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nghĩa là gồm cả NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, do Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành cùng một lúc sử dụng tiêu chí kép để xác định NĐT (gồm quốc tịch và nguồn vốn của NĐT), do đó, rất khó để xác định thế nào là NĐT trong nước hoặc NĐT nước ngoài, hoặc Việt kiều là NĐT trong nước hay nước ngoài 

Từ đây, phát sinh hàng loạt hệ lụy pháp lý về tư cách của các doanh nghiệp do NĐT nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp do NĐT nước ngoài đầu tư sẽ được coi là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) hay giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT)? Khi nào thì bị coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: khi bên nước ngoài chỉ nắm 1% vốn hay phải từ 49% hoặc 51% trở lên? Doanh nghiệp trong nước có phải đổi GCNĐKKD thành GCNĐT khi có vốn nước ngoài hay vẫn tồn tại song song cả hai loại giấy này?...

Thậm chí có sự nhầm lẫn trong tư cách của NĐT trong các biểu mẫu hồ sơ áp dụng cho đầu tư nước ngoài theo Quyết định 1088/2006/QĐ-BKH. Trong các mẫu đơn này, người ký đơn là NĐT. Yêu cầu NĐT ký tên trong các hồ sơ là trái với các quy định trong Luật Doanh nghiệp và nguyên tắc quản lý hành chính.

Theo Luật Doanh nghiệp, người ký đơn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chứ không phải là cổ đông, thành viên của doanh nghiệp (tức là NĐT). Về mặt pháp lý, NĐT và doanh nghiệp là hai thực thể pháp lý khác nhau, NĐT không thể đương nhiên đại diện cho doanh nghiệp trước cơ quan nhà nước Việt Nam.

Hơn nữa, GCNĐT được cấp cho doanh nghiệp và khi muốn thay đổi nội dung GCNĐT, chính doanh nghiệp phải làm đơn gửi cơ quan nhà nước thông qua người đại diện theo pháp luật của mình. Việc cho phép NĐT đứng đơn tạo ra sự can thiệp sâu vào việc điều hành doanh nghiệp trái với Luật Doanh nghiệp.

Dự án đầu tư hiểu sao cho đúng?

Khái niệm quan trọng thứ hai là dự án đầu tư. Theo Luật Đầu tư, dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Khái niệm dự án như trên thuần túy là một khái niệm kinh tế, chứ không phải khái niệm luật. Nó là tập hợp các hoạt động kinh tế dự kiến của doanh nghiệp và luôn thay đổi.

Theo định nghĩa của luật như trên, bất cứ hoạt động kinh doanh nào của doanh nghiệp đều có thể coi là một dự án đầu tư: xây dựng một tòa nhà, mua bán một công ty, đầu tư vào công ty khác, mở thêm một chi nhánh, bổ sung thêm ngành nghề...

Khái niệm dự án đầu tư quá rộng như vậy, dẫn đến sự áp dụng tràn lan - doanh nghiệp hầu như làm cái gì cũng phải đăng ký dự án đầu tư: Mua đất xây trụ sở - cần GCNĐT, mở thêm chi nhánh - cần GCNĐT...

Hậu quả là doanh nghiệp tốn thời gian, chi phí trong khi cơ quan nhà nước lúc nào cũng than nhiều việc. Luật Đầu tư hiện nay sa đà vào việc quản lý dự án đầu tư của các doanh nghiệp, trong khi đầu tư là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phải do doanh nghiệp tự quản và tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, các hình thức đầu tư trong Luật Đầu tư cũng không rõ ràng. Theo điều 21, các hình thức đầu tư trực tiếp bao gồm (i) thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn; (ii) thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các NĐT trong nước và NĐT nước ngoài; (iii) đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT; (iv) đầu tư phát triển kinh doanh; (v) mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư; (vi) đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp và (vii) các hình thức đầu tư trực tiếp khác.

Lưu ý rằng, khái niệm tổ chức kinh tế liên doanh hay công ty liên doanh không tồn tại trong Luật Doanh nghiệp. Còn hình thức “đầu tư phát triển kinh doanh” - một hình thức đầu tư hoàn toàn mới lạ và quá chung chung, hoặc việc “mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư” cũng có thể hiểu là “sáp nhập và mua lại doanh nghiệp”.

 

Quay lại trang trước
Tin tức khác