Liên kết website
Tư vấn trực tuyến
  • Tư vấn Sở hữu trí tuệ
  • Tư vấn Đầu tư
  • Tư vấn Doanh nghiệp
  • Tư vấn Pháp lý
Thống kê truy cập
Nên sửa đổi quy định về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp - ipic, luat, luật, tư vấn đầu tư, tu van dau tu, tư van doanh nghiep

Tin tức

Nên sửa đổi quy định về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp 2005, tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông phải được đại diện ít nhất là 65% hoặc 75 % của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Với quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua như trên đang thể hiện nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động của các công ty cổ phần, đồng thời không thống nhất với các quy định pháp luật khác của Việt Nam. Nên chăng cần sửa đổi luật doanh nghiệp theo hướng quy định giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

 1.         Các quy định về tỷ lệ thông qua biểu quyết của đại hội đồng cổ đông theo quy định của luật doanh nghiệp chưa phù hợp với các cam kết WTO của Việt Nam và nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư WTO của Quốc Hội.

Trong văn kiện WTO của Việt Nam, cụ thể tại Đoạn 502-503 Báo cáo của Ban Công tác  có nội dung như sau:

- Đối với các doanh nghiệp liên doanh (nhà đầu tư thiết lập hiện diện thương mại) được thành lập theo các cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam (tức là doanh nghiệp thành lập sau khi cam kết gia nhập WTO của Việt Nam có hiệu lực), doanh nghiệp có quyền xác định trong Điều lệ doanh nghiệp tất cả những loại quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; số đại biểu cần thiết trong quy trình bỏ phiếu và tỷ lệ đa số phiếu chính xác để ra quyết định;

- Đối với các liên doanh đã thành lập ở Việt Nam (trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO), trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (tức là đến ngày 1 tháng 7 năm 2008), doanh nghiệp có quyền tiến hành những sửa đổi mà doanh nghiệp thấy cần thiết đối với Điều lệ liên quan đến tất cả những loại quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; số đại biểu cần thiết trong quy trình bỏ phiếu và tỷ lệ đa số phiếu chính xác để ra quyết định (lưu ý là trong Báo cáo của Ban Công tác, Điểm 503 này nằm trong Mục lớn về Các chính sách ảnh hưởng đến Thương mại dịch vụ).

Nội dung báo cáo cho thấy, chúng ta chấp nhận hướng mở cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam được phép thỏa thuận tỷ lệ biểu quyết thông quyết định đại hội đồng cổ đông mà không phải phụ thuộc theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Mặt khác theo nội dung nghị quyết số 71 năm 2006 về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, trong phụ lục nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết WTO  tại thứ tự số 1 nghị quyết số 71 năm 2006 của Quốc Hội Việt Nam có quy định.

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau:

1. Số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;

2. Các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;

3. Tỉ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.

Với quy định trên, nghị quyết 71 đã mỡ rộng phạm vi áp dụng của việc quy định tỷ lệ biểu quyết cho các doanh nghiệp mà không hạn chế đối tượng áp dụng như trong báo cáo của ban công tác về hiệp định của WTO, có nghĩa là các doanh nghiệp 100% vốn trong nước hay 100% vốn nước ngoài đều được phép tự thỏa thuận về tỷ lệ biểu quyết trong công ty.

Như vậy rõ ràng là việc quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông trong luật doanh nghiệp 2005 không còn phù hợp với các nội dung cam kết WTO của Việt Nam cũng như nghị quyết phê chuẩn nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Vấn đề này đang gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc quản lý và hoạt động trên thực tế.

2. Quan điểm bảo vệ cổ đông nhỏ và bảo vệ quyền lợi người lao động trong công ty cổ phần không còn phù hợp với thực tiễn của việc thành lập và hoạt động của công ty Cổ Phần.

Việc quy định của pháp luật với tỷ lệ biểu quyết như trên theo quy định của Luật doanh nghiệp là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các cổ đông nhỏ là người lao động trong công ty hoặc để huy động số vốn của những cổ đông nhỏ để tham gia hoạt động đầu tư, điều này thực tế đang thể hiện nhiều sự bất cập, chúng ta tiến hành phân tích các nhóm công ty cổ phần hiện nay để chứng minh quan điểm trên.

 Đối với công ty cổ phần có số lượng cổ đông khoảng 50 cổ đông trở xuống.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp công ty cổ phần phải có tối thiểu 3 cổ đông trở lên, điều này là điều kiện thuận lợi rất lớn cho các cổ đông khi tiến hành thành lập công ty cổ phần. Việc quy định trên dẫn tới thực tế số lượng công ty cổ phần có dưới năm mươi cổ đông được thành lập và hoạt động chiếm đa số công ty cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, các công ty này được thành lập bởi việc tham gia góp vốn của các cá nhân với nhau, hoặc giữa sự hợp tác của các doanh nghiệp cùng thành lập, hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài cùng thành lập, hoặc liên doanh nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước.

Số lượng doanh nghiệp này được thành lập dựa trên các đối tác làm ăn hợp tác  kinh doanh với nhau mà không có sự tham gia của người lao động cũng như các cổ đổng nhỏ lẻ theo hướng mục tiêu huy động vốn. Hầu hết các bên tham gia thành lập công ty cổ phần này đều tiến hành tham gia vào hoạt động kinh doanh cũng như quản lý của doanh nghiệp, với tư cách vừa là cán bộ quản lý vừa là chủ của công ty. Và rõ ràng với công ty cổ phần này thì hầu như không có sự xuất hiện của người lao động hay có sự tham gia của các cổ đông nhỏ lẻ, vì thế mục tiêu bảo vệ cổ đông nhỏ và người lao động theo ý nghĩa của các nhà làm luật bị thất bại

Đối với công ty cổ phần được hình thành từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Công ty cổ phần được hình thành từ việc cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước thường có quy mô vốn lớn, vốn của nhà nước và các cổ đông lớn thường chiếm tỷ lệ cao, trong đó thường có sự tham gia của người lao động với tư cách là cổ đông của công ty. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động và quản lý điều hành thì các cổ đông là người lao động không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau để trở thành một nhóm cổ đông trong công ty mà có số vốn tương ứng với tỷ lệ là 26% hoặc 36%, mà mặt khác họ còn nằm phần chính ở nhóm cổ đông có số cổ phần nắm tỷ lệ 64 % hoặc 74%, thực tế hoạt động này là nhiều, vì các cổ đông là người lao động khi họ đã tến hành việc mua cổ phần của công ty họ luôn tin tưởng vào hoạt động và điều hành của công ty, vì thế họ thường đứng về phía của những người lãnh đạo công ty là người đại diện phần chính cổ đông trong công ty cổ phần. Như vậy sẽ có những cổ đông không phải là người lao động, hoặc một số ít người lao động với một số cổ đông nắm giữ cổ phần với tỷ lệ tương ứng khoảng 26% hoặc 36% sẽ có quyền phủ quyết không thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông của công ty.  Từ việc phân tích trên ta thấy rằng việc quy định như trên không chỉ không bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ mà còn làm cho việc điều hành quản lý công ty cổ phần được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước thêm phức tạp, thậm chí xẩy ra tình trạng lôi kéo để cạnh tranh quyền lực và quyền lợi trong công ty cổ phần.

Đối với các công ty cổ phần được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Những công ty cổ phần được niêm yết trên sàn chứng khoán được xem là công ty đặc trưng nhất về tính đối vốn trong công ty cổ phần. Chúng ta tập trung phân tích các vấn đề dưới đây để xem xét về việc có nên tiến hành quy định tỷ lệ thông qua quyết định đại hội đồng cổ đông như hiện nay hay không.

Thứ nhất, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán họ quan tâm mục tiêu hưởng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phiếu chứ không quá kỳ vọng vào việc hưởng lợi tức của số cổ phần nắm giữ. Các nhà đầu tư họ tự do lựa chọn các cổ phiếu có khả năng sinh lời nhiều nhất để tiến hành đầu tư, cũng như sẵn sàng chuyển nhượng cổ phiếu nắm giữ của mình nếu xét thấy không đảm bảo lợi nhuận cho họ, như vậy nhà đầu tư luôn chủ động bảo vệ lợi ích của mình thông qua thị trường chứng khoán.

Thư hai, tính lưu chuyển và thanh khoản của các cổ phiếu được diễn ra liên tục do vậy các cổ đông họ thường quan tâm đến giá cổ phần trên thị trường chứng khoán hơn là quan tâm đến các vấn đề quyết định của đại hội đồng cổ đông, điều này trên thực tế chứng mình là các công ty đại chúng thông thường khi tiến hành đại hội đồng cổ đông thì các nhà đầu tư thường ủy quyền cho những người quản lý công ty hoặc một số nhà đầu tư lớn của công ty để tiến hành thông qua đại hội đồng cổ đông.

Thứ ba, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thường ở nhiều nơi trên lãnh thổ quốc gia, vì thế mỗi lần tiến hành đại hội đồng cổ đông thông thường mất nhiều thời gian từ một đến hai tháng thậm chí còn lâu hơn. Việc quy định tỷ lệ thông qua quyết định đại hội đồng cổ đông 65% hoặc 75%  cổ đông tham dự biểu quyết thông qua đồng nghĩa với việc thành công của đại hội sẽ khó hơn, vì thế công ty lại mất nhiều thời gian chuẩn bị để tiến hành đại hội lại, điều này sẽ đánh mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và tốn kém cho hoạt động công ty.

Thứ tư, các cổ đông nhỏ thông thường ít chịu áp lực hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp so với các cổ đông lớn. Các cổ đông nhỏ họ sử dụng thị trường chứng khoán như một công cụ tự bảo vệ mình nếu xét thấy hoạt động kinh doanh của công ty không hiệu quả họ sẵn sàng chuyển nhượng cổ phiếu nắm giữ, còn đối với các cổ đông lớn thì việc này sẽ khó hơn rất nhiều vì việc bán tháo cổ phiếu của họ sẽ là một thảm họa đối với công ty cũng như các nhà đầu tư khác, thông thường đứng trước thách thức về kinh doanh thì các cổ đông lớn thường lựa chọn biện pháp thay vì bán ra như các cổ đông nhỏ họ lại tiến hành mua vào để đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư, vì thế họ chịu áp lực và rủi ro cao hơn. Do vậy họ cần được pháp luật bảo vệ tốt hơn bằng việc tăng thẩm quyền các quyết định của đại hội đồng cổ đông đối với các cổ đông lớn.

Từ những phân tích trên ta thấy rằng việc quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định trong công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp không chỉ không phù hợp với các văn bản pháp lý khác của Việt Nam mà còn không đảm bảo được mục đính là bảo vệ các cổ đông nhỏ là người lao động.

Nên chăng chúng ta sửa đổi luật doanh nghiệp theo hướng tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông là 51% số cổ phần của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận nếu điều lệ doanh nghiệp không có quy định khác.

LS. Nguyễn Trinh Đức

Công ty LUẬT PHƯỢNG HOÀNG

Quay lại trang trước
Tin tức khác