Liên kết website
Tư vấn trực tuyến
  • Tư vấn Sở hữu trí tuệ
  • Tư vấn Đầu tư
  • Tư vấn Doanh nghiệp
  • Tư vấn Pháp lý
Thống kê truy cập
Một số nội dung quan tâm khi tiến hành việc soạn thảo nội dung Điều lệ doanh nghiệp - ipic, luat, luật, tư vấn đầu tư, tu van dau tu, tư van doanh nghiep

Tin tức

Một số nội dung quan tâm khi tiến hành việc soạn thảo nội dung Điều lệ doanh nghiệp

Một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mà bất kỳ nhà đầu tư cũng như tổ chức tư vấn pháp lý không thể bỏ qua đó là việc tư vấn xây dựng điều lệ doanh nghiệp cho phù hợp. Trên thực tế, pháp luật doanh nghiệp đã quy định khá cụ thể về nội dung chính của một bản điều lệ doanh nghiệp và ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận những quy định này trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, để chủ đầu tư có thể hiểu một cách cụ thể hơn về những điều khoản của bản Điều lệ, trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ tập trung đi sâu phân tích nội dung các điều khoản của Điều lệ Doanh nghiệp theo quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005.

Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:
“Nội dung điều lệ công ty:
1.              Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2.              Ngành, nghề kinh doanh.
3.              Vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ.
4.              Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty TNHH; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
5.              Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty TNHH và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.
6.              Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty TNHH, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần.
7.              Cơ cấu tổ chức quản lý.
8.              Người đại diện theo pháp luật đối với công ty TNHH, công ty cổ phần.
9.              Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.
10.          Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.
11.          Những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty TNHH hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần.
12.          Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh.
13.          Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty.
14.          Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
15.          Họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của chủ sở hữu công ty, của các thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với công ty TNHH; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
16.          Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật”.
Trên đây là những điều khoản “cứng” phải có trong nội dung của một bản điều lệ. Tuy nhiên, đối với những loại hình doanh nghiệp khác nhau thì nội dung chi tiết của từng điều khoản sẽ được dự liệu theo các hướng khác nhau cho phù hợp với điều kiện của từng công ty, trong đó có những điều khoản tùy nghi và có những điều khoản bắt buộc. Ở đây người viết phân tích thành hai nhóm: nhóm thứ nhất, các điều khoản bắt buộc gồm các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 13 và các điều khoản tùy nghi 6, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16.
Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đi sâu phân tích nội dung một số điều khoản tùy nghi đã liệt kê.  
Thứ nhất đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty đối với công ty hợp danh, công ty TNHH, của cổ đông công ty cổ phần (khoản 6 điều 22). Trường hợp này trên cơ sở tại các điều luật về quyền và nghĩa vụ của các thành viên công ty mà chủ đầu tư tiến hành xây dựng các quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các thành viên công ty mình. Tuy nhiên, nội dung các quyền này bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại điều 41, 42 đối với thành viên công ty TNHH; Điều 79, 80 đối với cổ đông công ty cổ phần; Điều 134, 140 đối với thành viên công ty hợp danh. Chủ đầu tư có thể thỏa thuận với nhau để quyết định các quyền và nghĩa vụ cụ thể cho phù hợp với điều kiện của các chủ đầu tư và loại hình doanh nghiệp mình dự định thành lập (theo hướng mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty) miễn sao phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Thứ hai, về thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ (khoản 9, điều 22). Trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên cá nhân làm chủ sở hữu thì các loại hình doanh nghiệp khác đều phải có quy định này trong điều lệ của doanh nghiệp. Tỷ lệ số phiếu thông qua các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp sẽ tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp. Ví dụ như quy định tại điều 52 LDN, tại khoản 2, 3 quy định: “Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hơp sau đây:
a)              Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.
b)             Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại, giải thể công ty; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
3. Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”.
Theo như quy định này thì pháp luật đã dành quyền rất lớn cho các sáng lập viên của doanh nghiệp được tự do thỏa thuận một tỷ lệ cụ thể để thông qua các quyết định liên quan đến vấn đề quản trị doanh nghiệp và sự thỏa thuận này bắt buộc phải cao hơn tỷ lệ mà pháp luật đã dự liệu bên trên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ tỷ lệ thông qua có thể thấp hơn con số Luật đã dự liệu đó là trường hợp công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh chỉ có 2 thành viên tham gia thành lập công ty thì tỷ lệ thông qua có thể do các nhà đầu tư thỏa thuận và ghi vào điều lệ của công ty.
Thứ ba, quy định về căn cứ xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho các thành viên và nhân viên công ty. Vấn đề này cũng được luật quy định khá chi tiết. Ví dụ như đối với công ty cổ phần pháp luật cho phép các doanh nghiệp thỏa thuận về thù lao, tiền lương và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chỉ khi các thành viên không tự thỏa thuận được và không ghi được vào điều lệ công ty thì bắt buộc mới phải tuân thủ quy định tại Điều 117 LDN.
Trên đây là một số quy định liên quan đến vấn đề xây dựng nội dung chi tiết của một bản điều lệ doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và để xây dựng được một bản điều lệ Doanh nghiệp hoàn chỉnh và đúng luật, thì bên cạnh những yếu tố về mặt nội dung (đã phân tích ở trên), nhà đầu tư cũng cần chú ý tới một số nguyên tắc cơ bản khác như: Không trái pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích của bên thứ ba, tự nguyện và thỏa thuận trong giới hạn pháp luật quy định... Tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật và tôn trọng thỏa thuận của các thành viên sẽ là giúp cho doanh nghiệp xây dựng được bản điều lệ thống nhất không trái luật và có tính ổn định lâu dài trên thực tế - điều này sẽ vô cùng có lợi cho doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Người Viết: Nguyễn Bích Phượng
Cán bộ tư vấn công ty IPIC GROUP
Quay lại trang trước
Tin tức khác