Kiến nghị sửa đổi Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/1/2010 của Chính phủ về cháo bán cổ phần riêng lẻ.
Theo quy định tại của Nghị định số 01/2010/NĐ-CP có một số vấn đề bất cập, trong đó điển hình là quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần thuộc đợt chào bán riêng lẻ trong vòng tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán (Điều 8, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP) được hiểu là áp dụng ngay cho cả các cổ đông hiện hữu của các doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng đang tạo ra những khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đối chiếu quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp đã nêu tại Điều 8 của Nghị định số 01/2010/NĐ-CP với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, chúng tôi nhận thấy rằng quy định này là không đúng (trái) so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy định rất rõ tại Điều 77 là “Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 81 và Khoản 5 Điều 84 của Luật này” (trích Mục d Khoản 1 Điều 77)- Như vậy, sẽ chỉ có 2 trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông theo quy định tại Điều 81 của Luật Doanh nghiệp, đó là trường hợp cổ phần ưu đãi biểu quyết (Khoản 3)[1] và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập (Khoản 5)[2], còn lại thì tất cả các cổ đông đều có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác hoặc cho người không phải là cổ đông của công ty.
Trong khi đó, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP là một văn bản dưới Luật lại quy định thêm một trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông hiện hữu là số cổ phần được chào bán trong đợt phát hành và chào bán riêng lẻ. Như vậy, quy định tại Điều 8 của Nghị định số 01/2010/NĐ-Cp là không đúng so với Luật Doanh nghiệp 2005.
Việc chào bán cổ phần theo phương thức chào bán riêng lẻ cho đối tượng là cổ đông hiện hữu của những doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng là bị chịu sự hạn chế chuyển nhượng cổ phần thuộc đợt phát hành riêng lẻ như quy định tại Nghị định số 01/2010/NĐ-CP, xét về mặt thực tế cũng không phù hợp, làm giảm khả năng huy động vốn của các công ty cổ phần. Vấn đề này thời gian qua rát nhiều doanh nghiệp và công luận đã đề cập đến các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi lẽ xét về bản chất thì công ty cổ phần vốn là một dạng công ty đối vốn, vốn trong công ty cổ phần được luân chuyển và phải được luân chuyển thường xuyên để tạo độ hấp dẫn cho các nhà đầu tư; đồng thời cổ đông hiện hữu luôn được “ưu tiên mua cổ phần của mỗi đợt phát hành và chào bán” khi công ty cần huy động thêm vốn kinh doanh để có thể duy trì tỷ lệ sở hữu; vậy nên nếu quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông hiện hữu bị hạn chế trong vòng ít nhất 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, thì sẽ rất khó khăn cho các công ty cổ phần huy động vốn do phạm vi các nhà đầu tư bị thu hẹp lại. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng với quy mô vốn điều lệ ban đầu thấp sẽ khó có khả năng huy động thêm vốn, và đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này sẽ khó có thể trở thành một công ty đại chúng.
Nhìn chung lại, xét dưới góc độ hiệu lực pháp lý của văn bản thì rõ ràng là quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông hiệu hữu thuộc đợt chào bán riêng lẻ tại Nghị định số 01/2010/NĐ-CP là trái với Luật Doanh nghiệp 2005; còn nếu xét dưới góc độ thực tiễn thì quy định nêu trên là thiếu tính thực tiễn và gây rào cản cho các công ty cổ phần trong việc huy động vốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần nói chung, đi ngược lại với định hướng khuyến khích của các doanh nghiệp mở rộng quy mô, đại chúng hóa công ty và hướng tới tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Với tư cách là một tổ chức tư vấn đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tư ván cho các công ty cổ phần phát hành huy động thêm vốn có liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 01/2010/NĐ-CP, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội xin kính chuyển đến quý Cơ quan ý kiến cũng như quan điểm nhận định của chúng tôi như đã nêu ở trên và đề xuất quý Cơ quan kiến nghị đến Chỉnh phủ chỉ đạo xem xét làm rõ, sớm có hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định và/hoặc bãi bỏ quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông hiện hữu thuộc đợt chào bán riêng lẻ theo quy định tại Nghị định số 01/NĐ-CP với những căn cứ như chúng tôi đã nêu ở trên.